19/05/2004 10:16 Truyền thông
Sau Cách mạng tháng Tám, Việt Nam đứng trước những khó khăn to lớn về - kinh tế và đời sống, chính quyền cách mạng còn non trẻ phải đương đầu gay gắt với giặc đói giặc ngoại xâm, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú ý và khuyến khích phát triển TDTT. Người đã khởi xướng nền TDTT cách mạng - một nền TDTT mới chưa từng có ở nước ta, nó mang ý nghĩa lớn đối với tinh thần và sức khoẻ của nhân dân ta, dân tộc ta, góp phần "Kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công".
Những việc làm hết sức cần thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh để TDTT cách mạng được hình thành và phát triển như: Ngày 30 tháng Giêng năm 1946, Người ký sắc lệnh số 14 thành lập Nhà Thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên, lần đầu tiên ngành TDTT cách mạng ra đời ở Việt Nam. Đến ngày 27 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 33 thành lập Nhà Thanh niên - Thể dục thuộc Bộ Quốc gia giáo dục. Cùng ngày, Báo Cứu Quốc đăng bài "Sức khỏe và thể dục" của Người. Thực chất bài báo đó là lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác Hồ. Tối 26 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự "Lễ hội thanh niên vận động" ở Hà Nội và Người châm ngọn lửa thiêng phát động phong trào "Khỏe vì nước". Phong trào này nhanh chóng lan tỏa từ Thủ đô Hà Nội đến các tỉnh, thành phố. Đó chính là TDTT cách mạng do dân, vì dân, tiền thân của nền TDTT Việt Nam ngày nay.
TDTT cách mạng hoặc nền TDTT mới, mà nền tảng xã hội là phong trào khỏe vì nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng khác về bản chất TDTT trước Cách mạng tháng Tám, chẳng hạn phong trào "Khỏe để phụng sự" do thực dân Pháp khởi xướng nhằm phục vụ chính sách cai trị. Mục đích chủ yếu của TDTT cách mạng là thu hút mọi người trẻ, già, gái, trai tập luyện nâng cao sức khoẻ vì "Dân cường nước thịnh" được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra trong bài báo "Sức khỏe và thể dục" của Người. TDTT cách mạng là một bộ phận trong tổng thể sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, được hình thành và phát triển theo định hướng của tư tưởng Hồ Chí Minh. Do đó TDTT cách mạng ngày càng thể hiện sâu sắc tính chất nhân dân, dân tộc và hiện đại.
Trong chương trình Việt Minh năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương "Khuyến khích nền thể dục thể thao quốc dân làm cho nòi giống thêm mạnh". Trong bài báo "Sức khỏe là thể dục", Bác Hồ nhấn mạnh: Mỗi người dân yếu thì cả nước yếu, mỗi người dân khỏe thì cả nước khỏe. Nhân dân khoẻ mạnh thì nước nhà chóng phú cường. Để có sức khoẻ cho mọi người, ngoài việc cải thiện đời sống, phòng bệnh và trị bệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyến khích toàn dân tập thể dục, rèn luyện thân thể thường xuyên. Do đó phát triển phong trào toàn dân tập luyện là mục tiêu cơ bản của TDTT cách mạng. Nếu xa rời mục tiêu cơ bản này thì không còn là TDTT cách mạng nữa. Quá trình thực hiện mục tiêu cơ bản của TDTT cách mạng cũng là quá trình phấn đấu thực hiện "Dân cường nước thịnh". Mỗi người rèn luyện sức khoẻ trong phong trào TDTT cách mạng là một biểu hiện của lòng yêu nước. Chủ tịch nêu rõ: "Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước".
TDTT cách mạng phát triển trước hết và mạnh nhất trong thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh, tự vệ và bộ đội. Bác Hồ căn dặn tuổi trẻ phải siêng năng tập luyện TDTT, nâng cao sức khoẻ để học tập, rèn luyện tốt. Người nhắc nhở học sinh phải học giỏi không chỉ các môn văn hóa, ngoại ngữ mà cả thể dục. Bác Hồ biểu dương các chiến sĩ tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu (Hà Nội) về nếp sống, công tác, tinh thần tích cực tập TDTT và xung phong đi các tỉnh phát triển phong trào Khoẻ vì nước. Bác cũng quan tâm và động viên thanh niên, bộ đội, công nhân tổ chức giao hữu bóng đá, bóng chuyền và các hoạt động TDTT khác, vừa rèn luyện sức khoẻ, vừa khuyến khích tinh thần vui tươi phấn khởi nhằm đẩy mạnh mọi công việc phục vụ “kháng chiến kiến quốc". TDTT cách mạng dựa vào lực lượng thanh niên, lực lượng tiên phong thúc đẩy phong trào tập luyện của quần chúng với mọi lứa tuổi, nghề nghiệp trong các lĩnh vực hoạt động vật chất và tinh thần của đời sống xã hội, tất cả đều là "Đồng bào" chung một nước, thực hiện lòng mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập".
TDTT cách mạng đang có xu thế phát triển đồng bộ cả về TDTT quần chúng, giáo dục thể chất học đường và thể thao thi đấu, song do cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ vào ngày 19 tháng 12 năm 1946, TDTT cách mạng đã phải tạm thời lắng xuống. Tuy vậy ở chiến khu Việt Bắc, TDTT cách mạng vẫn được duy trì và phát triển ở mức độ nhất định. Bác Hồ luôn luôn là tấm gương sáng về tinh thần tập luyện trong phong trào TDTT cách mạng năm 1946 và cả trong phong trào rèn luyện sức khỏe ở chiến khu Việt Bắc suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Người không chỉ tập luyện thường xuyên mà còn quan tâm, động viên cán bộ, chiến sĩ tích cực rèn luyện sức khỏe. Bác Hồ từng hướng dẫn các bộ trưởng, thứ trưởng trong Chính phủ tập võ; nhiều lần Người hướng dẫn và làm động tác mẫu cho các chiến sĩ trẻ tập thể dục và luyện võ thuật. Bác
còn khuyến khích cán bộ của các cơ quan Chính phủ, bộ đội của các đơn vị bảo vệ chiến khu và các chiến sĩ thuộc đơn vị cảnh vệ ở Việt Bắc tổ chức tập luyện, giao lưu bóng chuyền vào mỗi buổi chiều hay những ngày nghỉ, ngày Tết Nguyên đán. Bác Hồ cũng là một cầu thủ nhiệt thành của đội bóng chuyền Văn phòng Chính phủ và Phủ Chủ tịch.
Thể dục thể thao cách mạng đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ giáo viên, huấn luyện viên, hướng dẫn viên được đào tạo, bồi dưỡng ở các lớp TDTT của chế độ mới. Trong năm 1946, Nhà Thể dục Trung ương và Nhà Thanh niên - Thể dục đã tổ chức được một số lớp đào tạo cấp tốc từ 3 đến 6 tháng với hàng trăm học viên do các tỉnh đoàn thanh niên cứu quốc, các đơn vị tự vệ chiến đấu đơn vị bộ đội, các trường học cử đi học. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đến thăm các lớp đào tạo đó. Vào một buổi chiều ngày 10-11-1946, Bác đến dự lễ bế mạc và nói chuyện với học viên của một lớp học do Nhà Thể dục Trung ương và Nhà Thanh niên - Thể dục tổ chức. Người căn dặn: "Các học sinh đã tập luyện công phu và sức đã khỏe. Hiện tại ở nông thôn cũng như thành thị còn rất nhiều đồng bào yếu ớt. Mang danh cán bộ thể dục thể thao, các học sinh có bổn phận tổ chức cho toàn thể đồng bào cùng tập luyện. Có như vậy công phu tập luyện của các em mới có hữu ích".
Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ, nhiều người trong số các học viên đó đã lên đường ra chiến trường tham gia kháng chiến. Sau hoà bình lập lại ở miền Bắc nước ta, họ trở về với các hoạt động TDTT. Nhiều người trong số họ là cán bộ quản lý, huấn luyện viên, giáo viên TDTT có năng lực và tâm huyết phục vụ sự nghiệp phát triển nền TDTT XHCN.
Mục đích và mục tiêu của TDTT cách mạng nước ta năm 1946 có giá trị nổi bật, làm sáng tỏ tính ưu việt của xã hội mới và đề cao vai trò tác dụng của TDTT. Trong hoàn cảnh đất nước vừa giành lại nền độc lập dân tộc, nhân dân vừa thoát khỏi ách nô lệ, chính quyền cách mạng đang phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, với trận đói năm 1945 hơn 2 triệu người chết, thể chất của giống nòi giảm sút nghiêm trọng, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngần ngại khởi xướng phong trào TDTT cách mạng, được đông đảo nhân dân ta đồng lòng hưởng ứng, tham gia tập luyện với tinh thần yêu nước sâu sắc, phấn đấu cho "Dân cường, nước thịnh". TDTT cách mạng nước ta thực sự là một hiện tượng độc đáo của nền văn hóa thể chất Việt Nam và cả
nhân loại. Bởi vậy, những giá trị quý báu của nền TDTT cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh gây dựng là cội nguồn của các bước phát triển TDTT nước nhà những thập kỷ qua, hiện nay và cả mai sau.
Theo Thạc sĩ Trương Quốc Uyên/ Nhân Dân
https://nhandan.vn/nhip-song-the-thao/chu-tich-ho-chi-minh-voi-the-duc-the-thao-cach-mang-467041/