30/04/2021 13:18 Hội đồng Biên tập & Ban Cố vấn
Tướng Hiệu cho rằng, chiến tranh trong tương lai là chiến tranh vũ trụ, không gian mạng và công nghệ sinh học.
Trong những ngày này, khi hướng tới chiến thắng 30.4 lịch sử, những người cựu binh từng tham gia chiến trận chống Mỹ cứu nước thường bồi hồi xúc động nhớ lại những ký ức hào hùng, được sống, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học quân sự Liên bang Nga - trong năm 2021 này lại có những suy ngẫm mới, từ cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc, hướng tới sự nghiệp quốc phòng trong tương lai.
1. Trong chiến tranh chống Mỹ cam go, ác liệt, có một sự kiện mà nhiều người biết đến, đó là hàng rào điện tử McNamara của Mỹ dựng lên dọc khu phi quân sự tại vĩ tuyến 17 và đường mòn Hồ Chí Minh, nhằm ngăn chặn quân giải phóng Miền Nam Việt Nam xâm nhập. Bộ máy chiến tranh của Mỹ từng tuyên truyền rất hùng hồn về hàng rào điện tử này, rằng một con chuột nhắt cũng không thể lọt qua. Những chuyên gia về chiến tranh của thế giới cũng như của Việt Nam từng phân tích nhiều, nhưng thực tế thì hàng rào điện tử McNamara là như thế nào?
Từng trực tiếp chỉ huy chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, và một trong những mục tiêu là vô hiệu hóa hàng rào điện tử McNamara, tướng Hiệu cho biết, đó là loại hàng rào điện tử kết hợp với cây nhiệt đới, rào thép gai trên mặt đất, các loại mìn lá, mìn Claymore, rải từ cao điểm 31 Cửa Việt tới cao điểm 544 Fuller, đến Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh. Mặc dù hàng rào điện tử được thiết kế bởi những bộ óc quân sự tài ba của Mỹ, nhưng thực tế, trong chiến tranh, hàng rào này đã dần dần bị vô hiệu hóa bởi những phương pháp thông minh, sáng tạo của lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, và người dân địa phương.
“Hồi đó, chúng tôi quan sát người dân địa phương đi làm nương rẫy, đã vượt qua được hàng rào điện tử, nên đã vận dụng để vô hiệu hóa hàng rào. Chúng tôi thử làm theo cách của người dân và đã đưa cả một tiểu đội vượt qua hàng rào mà địch không phát hiện được. Sau đó, cả trung đội, tiểu đoàn, trung đoàn vượt qua hàng rào điện tử bằng nhiều cách khác nhau. Chúng tôi phát hiện ra, hàng rào có ưu điểm thì cũng có nhược điểm, đó là khi chim thú chạy qua hàng rào, cây đổ phát ra tiếng động, lập tức báo về trung tâm của địch, địch dùng pháo bắn, dội bom vào các điểm có báo động, khiến hàng rào tan hoang, trở nên vô tác dụng. Địch không xử lý được chính xác thông tin đâu là báo động do tự nhiên gây ra, đâu là báo động do có quân giải phóng Việt Nam xâm nhập, nên cứ có báo động là bắn phá, là dội bom, rất tốn kém mà “gậy ông lại đập lưng ông”, tự địch lại phá hàng rào điện tử bằng bom đạn của địch. Thêm vào đó, quân ta cũng tháo gỡ bom mìn và đã hoàn toàn vô hiệu hóa hàng rào điện tử McNamara. Như vậy, việc tận dụng sức mạnh chiến tranh nhân dân là một đặc điểm vô cùng độc đáo và hiệu quả trong cuộc chiến tranh giành độc lập của chúng ta. Cho dù trong lịch sử, khi các cuộc chiến tranh diễn ra, lực lượng quân sự chính quy của chúng ta chưa bao giờ mạnh bằng địch, nhưng nhờ sử dụng nghệ thuật chiến tranh nhân dân mà dân tộc ta đã chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược” - tướng Hiệu chia sẻ.
2. Cũng vì mục đích tăng cường nghệ thuật chiến tranh nhân dân, mà năm 1998 tướng Hiệu là đặc phái viên của Tổng Bí thư và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng với 9 đồng chí khác thuộc Cục tác chiến điện tử, Tổng cục kỹ thuật, Tổng cục 2, Tổng cục công nghiệp quốc phòng, Tổng cục hậu cần và đại diện lực lượng phòng không, không quân được mời sang Nam Tư nghiên cứu về cuộc chiến tranh của Nam Tư, và chuyển thông điệp của Tổng Bí thư cùng Bộ Quốc phòng nước ta tới Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic và Bộ trưởng Quốc phòng Nam Tư. Đoàn tướng lĩnh đi theo con đường du lịch, qua Thái Lan, Thụy Sĩ rồi vào Nam Tư. Bên bạn đón tiếp đoàn rất trọng thị và chia sẻ với đoàn Việt Nam nhiều thông tin quý báu về cuộc chiến tranh Nam Tư. Đây là cuộc chiến tranh bằng tên lửa hành trình Tomahawk. Tên lửa này bắn vào các mục tiêu đã định vị trước. Tướng Hiệu cùng đoàn đã đến thực địa các nơi tên lửa hành trình đã bắn vào tại Nam Tư. Đó là các địa điểm: Nhà Tổng thống, Bộ Quốc phòng, trận địa phòng không, sân bay, bến cảng và các cơ sở quân sự của Nam Tư để nghiên cứu. Đoàn còn đến thăm các trận địa mà quân Nam Tư đã bắn rơi máy bay địch nhưng không kịp bắt được tù binh vì địch đã đánh tháo mất. Đoàn Việt Nam cũng đã phỏng vấn các nhân chứng là những người trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh này.
Tướng Hiệu cho biết, cuộc chiến tranh tại Nam Tư là cuộc chiến tranh với công nghệ đã phát triển. Bên Nam Tư có nhiều kinh nghiệm đối phó với vũ khí sử dụng công nghệ. Ví dụ một nhóm sinh viên Nam Tư đã nghiên cứu thành công phương án chiến tranh điện tử, khống chế được hạm đội Mỹ nhiều giờ trên tàu chiến, khiến cho việc phóng tên lửa hành trình bị gián đoạn và không trúng mục tiêu. Bên bạn đã dùng hệ thống báo thời tiết để phát hiện tên lửa hành trình và bắn hạ trước khi tên lửa bay tới mục tiêu nên đã giảm được nhiều thiệt hại. Đặc biệt, vào giai đoạn cuối cuộc chiến tranh Nam Tư, bạn đã hạn chế được nhiều tác hại của tên lửa hành trình bằng việc cơ động lực lượng ra khỏi mục tiêu bắn phá.
Về phía Việt Nam, cũng đã chia sẻ với bên bạn những kinh nghiệm đánh hiệp đồng các quân binh chủng, đặc biệt là lục quân, kinh nghiệm bắt sống phi công nhờ chiến tranh nhân dân với lực lượng tại chỗ: Bộ đội chủ lực, kết hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích.
3. Từ chuyến đi trao đổi kinh nghiệm chiến tranh với Nam Tư, kết hợp với thông tin từ cuộc chiến tranh tại Iraq, Syria, tướng Hiệu đã nghiên cứu kỹ và rút ra những tổng kết hữu ích cho nhiệm vụ quốc phòng trong tương lai: Việt Nam chúng ta có nghệ thuật chiến tranh nhân dân là vô địch, trong đó yếu tố quyết định trong chiến tranh vẫn là lực lượng lục quân. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải nghiên cứu sâu đối tượng tác chiến, từ đó tìm ra cách đánh mới cho phù hợp với sự phát triển của khoa học quân sự, công nghệ hiện tại và tương lai (máy bay không người lái, tàu ngầm mini,...). Tướng Hiệu cho rằng, chiến tranh trong tương lai là chiến tranh vũ trụ, không gian mạng và công nghệ sinh học. Hiện nay Mỹ đã thành lập Bộ Tư lệnh vũ trụ. Trong tương lai, cuộc “chiến tranh không gian”, “chiến tranh mạng” sẽ diễn ra trong từng giai đoạn, đòi hỏi chúng ta cần nghiên cứu nghệ thuật chiến tranh, cách đánh mới cho phù hợp, tinh gọn, nhẹ, cơ động, và phải hiện đại hóa. Như thế, trong mọi cuộc chiến tranh, nhân dân Việt Nam mới bảo vệ được vững chắc nền độc lập ở cả đất liền, trên biển, trên không và không gian mạng. Hiện nay Việt Nam cũng đã có Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng.
“Con người vẫn là yếu tố quyết định vận mệnh của dân tộc, ngoài yếu tố con người, thì còn trí tuệ, văn hóa, truyền thống Việt Nam cũng là sức mạnh riêng quyết định vận mệnh đất nước, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh.
Theo Lao động
https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/thuong-tuong-nguyen-huy-hieu-ky-uc-va-suy-ngam-902922.ldo